Để giảm bớt nguy cơ hình thành những viên sỏi thận , bạn cần chủ động điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống.
Calcium hiện diện trong hầu hết các viên sỏi thận, nhưng đó không phải là lý do để loại bỏ chất này khỏi chế độ ăn uống. Theo một cuộc nghiên cứu hồi năm 2013 của Trường Y Harvard (Mỹ), người nạp đủ calcium sẽ ít có nguy cơ bị sỏi thận so với người theo chế độ ăn có mức calcium thấp. Thế nên lời khuyên cho bạn là cần đảm bảo sự cân bằng. Nếu chế độ ăn của bạn thiếu calcium, những hóa chất có tên gọi oxalate (vốn thường gắn kết với calcium trong đường tiêu hóa) sẽ tìm cách gắn kết với calcium trong nước tiểu và khơi mào sự hình thành những viên sỏi.
Ăn mặn
Có nhiều rủi ro do việc ăn quá nhiều muối gây ra, một trong số đó là sỏi thận. Khi việc hấp thu natri từ những chất mặn tăng lên, nó có thể kích hoạt sự gia tăng hàm lượng calcium do thận tiết ra. Sự gia tăng mức calcium trong nước tiểu có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận. Các chuyên gia khuyên mọi người giới hạn việc hấp thu natri ở mức 2.300 milligram mỗi ngày, riêng người có huyết áp cao không nên hấp thu quá 1.500 milligram mỗi ngày.
Nạp quá nhiều trà
Trên chuyên san New England Journal of Medicine đầu năm nay có thông tin về một người đàn ông 56 tuổi phải nhập viện do suy thận vì uống quá nhiều trà đá. Theo các nhà nghiên cứu, trà đen cũng là một nguồn oxalate đáng kể, vốn có thể kết tụ trong nước tiểu để hình thành sỏi thận. Bệnh nhân nói trên được phát hiện uống một lượng trà đen cao gấp đôi mức hấp thu của một người bình thường. Vì thế, lời khuyên của các chuyên gia là mọi người không nên uống quá nhiều trà đen, đặc biệt là người có tiền sử sỏi thận.
Thèm nước ngọt
Thông thường, việc giữ cơ thể trong tình trạng đủ nước là cách tốt nhất để giảm nguy cơ hình thành sỏi thận. Tuy nhiên, không phải loại nước giải khát nào cũng có tác dụng như nhau. Theo một cuộc nghiên cứu được công bố gần đây, cho dù chỉ uống 1 ly soda có đường mỗi ngày cũng có thể làm tăng 23% nguy cơ bị sỏi thận. Các nhà nghiên cứu cho rằng chất fructose có trong các loại nước uống có đường là tác nhân làm gia tăng những loại hóa chất gây soi than . Nên uống những loại nước không đường.
Ngoài ra, theo một cuộc nghiên cứu được công bố trên chuyên san The Journal of Urology hồi năm 2009, béo phì làm tăng nguy cơ sỏi thận, nhưng phẫu thuật giảm cân cũng có tác động tương tự. Các chuyên gia cho rằng sau cuộc phẫu thuật, bệnh nhân có thể không hấp thu nhiều calcium từ chế độ ăn uống. Khi điều đó xảy ra, việc tích tụ oxalate trong đường tiểu có thể dẫn đến sự hình thành sỏi thận.